Hội Xuân Núi Bà tỉnh Tây Ninh là 1 trong những hội xuân đầu năm lớn nhất miền Nam của nước ta.
Núi Bà Đen có nhiều truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian và nơi đây hàng năm diễn ra những lễ hội lớn không chỉ của Tây Ninh mà còn của cả vùng đất Nam Bộ. Trên núi có nhiều hang động, đền đài, am miếu thờ cúng nhiều vị thần linh tiên thánh và cả Phật . Vị thần thờ chính trên núi là Bà Đen hay còn gọi là Linh Sơn Thánh Mẫu. Bà được thờ ở Điện Bà khoảng lưng chừng núi. Trong điện có tượng Bà Chúa Xứ và các nữ hầu đứng phía sau.
Sau Tết Nguyên đán, tiết xuân mát mẻ, du khách bốn phương kéo về Núi Bà Đen ở Tây Ninh mở hội xuân. Bắt đầu từ ngày mùng 4 tháng giêng, Núi Bà trở nên đông vui tấp nập và kéo dài trong suốt tháng giêng. Đoạn đường từ thị xã Tây Ninh dẫn vào chân Núi Bà người xe nườm nượp trảy hội, những khách về dự hội Núi Bà đa phần là các bà, các cô hành hương về đây cúng vái, thắp hương dâng Bà để cầu nguyện cho chuyện làm ăn, gia cảnh …. Một số khách khác là những người du xuân đến Núi Bà dự lễ hội cũng như chiêm ngưỡng cảnh đẹp thiên nhiên của Núi Bà, nơi đỉnh núi có mây phủ quanh năm, nên còn gọi là “Vân Sơn”. Trong dịp này những người hành hương về Núi Bà, thường xin những gói giấy đỏ trong đựng một nhúm gạo, hoặc tiền lẻ coi như xin lộc Bà đầu năm để làm ăn phát lộc, phát tài.
Ngày hội lễ được xem là quan trọng nhất ở Núi Bà trong năm là lễ vía Bà tổ chức vào các ngày mùng 4, 5, 6 tháng 5 âm lịch. Mọi việc chuẩn bị cho lễ vía Bà được tổ chức từ nhiều ngày trước đó để kịp đến khuya mùng 3 rạng mùng 4 sẽ làm lễ tắm Bà và thay áo cho Bà. Vào lúc này cửa điện được đóng kín, đèn nến tắt gần hết chỉ còn lại 6 phụ nữ trung niên trong đó có 3 ni cô của nhà chùa bắt tay vào nghi thức tắm tượng Bà, mọi người đến trước tượng Bà làm lễ thắp nhang, xin phép được tắm và thay áo cho Bà. Giữa tuần hương, dưới sự điều hành của một phụ nữ lớn tuổi trong nhóm, mọi người cùng bắt tay và cởi áo khoác trên tượng bà trong suốt năm qua, rồi chuyền tay nhau những gáo nước nấu bằng lá thơm trong rừng (về sau có pha thêm nước hoa) dội lên tượng Bà kỳ cọ sạch sẽ. Sau khi dội nước xong lần cuối, mọi người dùng những chiếc khăn khô và sạch lau khô tượng Bà và thay cho tượng một bộ áo mới. Người ta tin rằng nước tắm tượng Bà thải ra là một vị thần chữa được bá bệnh, và ngay cả khăn lau và bộ áo cũ của tượng Bà là một thứ bùa ngải linh thiêng, nên không ít người mê tín đến xin hoặc mua nước tắm, khăn lau áo cũ tượng Bà đem về chữa bệnh. Tắm và thay áo cho Bà xong, những người phụ nữ thắp một lần hương nửa, và thắp đèn nến trở lại cho sáng sủa rồi mở rộng các cửa điện để đón các thiện nam, tín nữ vào thắp hương cầu khấn Bà.
Sáng ngày mùng 4 lễ hội Núi Bà bắt đầu sau khi nghi thức tắm và thay áo cho Bà, các du khách chen chúc nhau vào chánh điện để chiêm bái thắp hương cầu khấn Bà. Suốt ngày mùng 4 tại điện Bà diễn ra các nghi thức lễ hội dân gian gồm: Hát bóng rối chầu mời, hát chặp bóng tuồng hài “Địa Nàng”, múa dâng bông, dâng mâm ngũ sắc, múa đồ chơi (Múa lu, múa lục bình, múa bông huệ…).
Ngày mùng 5 là ngày lễ vía chính thức của Bà và cũng là ngày lễ hội Núi Bà đông vui nhất. Những nghi lễ trong ngày mùng 5 quan trọng nhất là lễ “Trình thập cúng”. Trong lễ này người ta dâng lên Bà 10 món bao gồm: Hương, đèn, hoa quả, trà bánh, rượu… Trong suốt ngày mùng 5, các vị sư thay nhau tụng kinh liên tục trước bàn thờ Bà.
Ngày mùng 6 dành cho việc cúng các cô hồn, uổng tử và chẩn tế cho bá tánh. Ngày cúng này có sự tham dự của các sư sải, để đọc kinh sám hối siêu độ cho các oan hồn. Những khách về tham dự, vào điện Bà tiếp tục cầu khấn, dâng hương. Buổi chiều sau lễ cúng ngọ, là lễ thí thực cô muối. Ban đêm các nhà sư tiếp tục các chầu kinh siêu độ cho bá tánh… Những ngày sau đó du khách vẫn tiếp tục hành hương về thăm Núi Bà và hành lễ ở Điện Bà.
Những ngày hội Núi Bà trong năm có trên nửa triệu người trong và ngoài tỉnh về tham dự, cùng với các sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, đông vui. Những nghi lễ trong lễ hội Núi Bà vừa mang tính chất của các hoạt động tín ngưỡng và của Phật giáo, thể hiện những mong ước của đại chúng về một cuộc sống thịnh vượng, an khang…
Nguồn: TayNinh.Gov.Vn
Loading...
Bài viết liên quan
- Một số thực phẩm phổ biến tốt cho sức khỏe
- 6 điều cần tránh về phong thủy cửa chính ngôi nhà
- 5 tác dụng của quả bơ đối với sức khỏe
- Cách làm trắng da tại nhà an toàn mà hiệu quả
- 6 sai lầm cơ bản khi sử dụng kem chống nắng
- 6 thói quen xấu gây bệnh đau dạ dày phổ biến
- 4 cách trị gầu đơn giản, hiệu quả ngay tại nhà
- 8 tác dụng tuyệt vời của chanh tươi đối với sức khỏe
- Những thói quen giúp bạn ngủ ngon hiệu quả
- Những thói quen xấu hằng ngày gây bệnh tim
Lưu ý:Các bình luận sẽ được duyệt trước khi đăng và trả lời. Vui lòng bình luận bằng tiếng việt có dấu, tuân thủ đúng quy định của chúng tôi